Hệ thống điện
Việc đảm bảo hệ thống đèn, điện trên xe hoạt động ổn định trước khi khởi hành là việc làm rất quan trọng. Cụ thể hơn, hãy kiểm tra xem đèn xi nhan, đèn pha trước và đèn hậu có sáng hay không vì đây là một trong những bộ phận rất quan trọng giúp chúng ta tham gia giao thông trên đường an toàn cho chính mình và cả người khác.
Lưu ý nhỏ nhưng sẽ ảnh hướng kha khá đến túi tiền của các bạn: Khi các bạn di chuyển liên tục trên đường thì bật công tắc đèn ở chế độ tầm sáng gần (hay còn gọi là đèn cos) để giảm quá tải dòng điện vào bình ắc-quy.
Giải thích cụ thể hơn, nếu bình ắc-quy xả điện, việc mở đèn sẽ giúp tránh dòng điện nạp vào quá lớn làm dẫn đến tình trạng phồng rộp và gây hỏng bình ắc-quy. Bên cạnh đó, một điều cũng tương đối quan trọng là việc bật đèn bất kể vào ban ngày còn giúp các phương tiện từ xa, đi đối diện có thể thấy bạn dễ dàng hơn.
Lốp xe
Trước mỗi chuyến đi, hãy chắc chắn tình trạng lốp xe đã được kiểm tra kĩ càng. Đảm bảo bơm lốp đúng cách vì áp suất lốp thấp có thể gây ra nhiều vấn đề, có thể ảnh hưởng đến mức tiêu thụ nhiên liệu của xe, làm xe “uống” xăng nhiều hơn. Đồng thời kiểm tra xem bề mặt của lốp có bị rạn nứt hay đã mòn đến mức phải thay mới không.
Bạn nên tự trang bị cho mình một đồng hồ đo áp suất lốp, nhỏ hơn thôi và chỉ có mấy chục ngàn để linh động hơn trong việc kiểm tra áp suất của hai bánh xe. Nếu không thì các bạn cần phải ra tiệm sửa xe để nhờ thợ bơm theo đúng số cân quy định trên mỗi lốp (thông thường lốp trước là 2,2 kg và sau là 2,5 kg).
Tuy nhiên, một lưu ý nhỏ là khi các bạn vận hành xe trong điều kiện thời tiết có nhiệt độ như cao liên tục thì cần xì bớt hơi ở cả hai bánh, việc làm này nhằm giảm thiểu nguy cơ nổ lốp khi đi trên đường.
Hệ thống phanh (thắng)
Việc tiếp theo bạn cần làm là kiểm tra luôn hệ thống phanh ở bánh trước và sau. Khi tham gia giao thông, hệ thống phanh trên xe lúc nào cũng là bộ phận quan trọng mang yếu tố quyết định đến sự an toàn không chỉ riêng cho người điều khiển.
Vì vậy, nếu phát hiện các má phanh (hay bố thắng) đã bị mòn thì bạn nên thay mới ngay khi có thể. Đối với những xe đang sử dụng phanh trước/sau là dạng đùm (tang trống) thì các bạn cần tiến hành kiểm tra độ mòn của phanh bánh trước và sau bằng cách xác định ốc hãm. Nếu ốc hãm đã tiến gần đến cuối của ren trên có nghĩa phanh đã sắp hết bố. Cẩn thận hơn, bạn nên đem xe đến tiệm sửa xe để nhờ thợ điều chỉnh.
Hệ thống giảm xóc (phuộc)
Khi hệ thống giảm xóc trên xe bị hư hỏng, các bạn sẽ rất dễ nhận ra được qua dấu hiện rung, lắc và xe bị tròng trành khi di chuyển ở tốc độ cao hay đi vào đường xấu.
Cách kiểm tra hệ thống giảm xóc (phuộc) trên xe đơn giản nhất là quan sát xem có sự xuất hiện của dầu nhớt trên ống giảm sóc hay không (hay còn gọi là ti phuộc). Nếu bạn thấy có những vết dầu bám trên ti phuộc có nghĩa là phớt (phốt cao su) đã bị hư hỏng, lúc này bạn cần phải đem xe đi phục hồi hoặc thay mới nếu bạn có điều kiện.
Kiểm tra dầu nhớt của xe
Ngoài việc tuân thủ theo đúng quy trình thay nhớt máy định kỳ, trước khi bắt đầu bất kỳ cuộc hành trình đường dài nào thì mọi người cũng cần phải kiểm tra lại dầu nhớt máy và cả nhớt ở láp (là nhớt hộp số).
Quá trình kiểm tra dầu nhớt ở động cơ cũng không mấy khó khăn. Các bạn chỉ cần dùng một chiếc kìm vặn nhẹ ngược chiều kim đồng hồ để tháo que thăm ra. Tiếp sau đó, bạn sử dụng một tờ giấy trắng để thấm dầu, dùng mắt thường quan sát xem độ trong và độ nhớt hiện tại như thế nào.
Sau đó, bạn lau sạch que thăm dầu rồi cắm lại vị trí cũ, sau đó nhấc ra tiếp tục quan sát mực dầu trên que thăm. Trường hợp mức dầu máy chạm vạch trên que thăm thì đông cơ xe bạn đang dùng đúng lượng dầu cần thiết. Nếu mức dầu ở dưới mức trên que thăm thì có nghĩa là lượng dầu dùng cho xe đang bị thiếu.
Nguồn: Cafeauto.vn